Bệnh viêm da nổi cục khiến đàn gia súc gầy yếu, tạo cho người dân Quảng Trị nỗi lo lắng. Trâu, bò mắc bệnh thường có các biểu hiện như: Sốt cao, có thể lên đến 41 ° C, bỏ ăn, giảm tiết sữa rõ rệt ở gia súc đang cho con bú; viêm mũi, viêm kết mạc và tiết nhiều nước bọt; sưng hạch nông (hạch trước vai, hạch đùi sau). Hình thành các nốt sần có đường kính 2 – 5 cm.
Các nốt này có hình tròn, rắn chắc và nhô cao trên da, mô dưới da và đôi khi cả các cơ bên dưới. Các nốt lớn có thể bị hoại tử và cuối cùng là xơ hóa và tồn tại trong vài tháng; để lại sẹo có thể vĩnh viễn. Do tác hại lớn đối với vật nuôi nên gia súc cần được tiêm vắc xin phòng bệnh này. Tại Quảng Trị, đàn trâu, bò trong nước đã được tiêm 50.000 liều vắc xin này. Hãy cùng chúng mình tìm hiểu về tin tức nông nghiệp này trong bài viết sau đây nhé!
Bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò tại Quảng Trị xuất hiện từ khi nào?
Trước đó, từ đầu tháng 12/2020 bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu bò bắt đầu xuất hiện tại tỉnh Quảng Trị. Sau đó, bệnh này đã bùng phát và lây lan trên diện rộng ra toàn tỉnh.
Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị, tính đến ngày 18/5, dịch bệnh viêm da nổi cục đã xuất hiện tại 71 xã, phường thị trấn của 9 huyện, thị, thành phố thuộc địa phương này. Đến nay tổng số gia súc mắc bệnh là gần 2.100 con bò; số trâu bò bị chết, tiêu hủy do mắc bệnh là 122 con.
Quảng Trị tập trung chỉ đạo tiêm phòng nhanh gọn
Để đạt được mục đích phòng bệnh cho đàn gia súc, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi – Thú y Quảng Trị cho biết, đơn vị sẽ tập trung chỉ đạo tiêm phòng nhanh gọn, đảm bảo tiến độ, đúng thời gian, yêu cầu kỹ thuật; tuân thủ quy trình, các bước thực hiện theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT, Cục Thú y. Đồng thời, thường xuyên giám sát, theo dõi đàn gia súc khi tiêm; để xử lý kịp thời các trường hợp phát bệnh do số lượng ổ dịch và động vật mang trùng hiện nay khá lớn.
Tiêm 50.000 liều vacxin phòng chống bệnh viêm da nổi cục
Ông Đào Văn An, Phó chi cục Chăn nuôi – Thú ý tỉnh Quảng Trị cho biết, từ ngày 10 – 25/5, đơn vị tiến hành tiêm 50.000 liều vacxin Lumpyvac phòng chống bệnh viêm da nổi cục cho đàn trâu bò ở địa phương. Theo đó, việc tiêm vacxin viêm da nổi cục cho đàn trâu bò được Chi cục Chăn nuôi – Thú y Quảng Trị thực hiện theo nguyên tắc tại các thôn/xóm chưa có dịch trước; sau đó tiêm cho đàn trâu bò tại các thôn/xóm có trâu bò bị bệnh; tiêm bao vây từ ngoài vào, áp sát các hộ có dịch.
Không tiêm vacxin cho trâu bò bị bệnh viêm da nổi cục và các bệnh khác. Bảo đảm tuyệt đối tránh làm lây chèo giữa các hộ, khu vực khi tổ chức tiêm vacxin.
Dự kiến đợt này sẽ có khoảng 80% trâu bò trên tổng đàn hơn 75.000 con hiện của tỉnh Quảng Trị sẽ được tiêm vacxin phòng bệnh viêm da nổi cục. Bệnh cạnh đó, 100% trâu bò ở vùng nguy cơ cao sẽ được tiêm phòng trong đợt này.
Tìm hiểu thêm về bệnh viêm da nổi cục
Bệnh viêm da nổi cục là gì?
Bệnh Viêm da nổi cục (tên tiếng Anh là Lumpy Skin Disease, viết tắt là LSD), còn được gọi là bệnh Viêm da nổi cục truyền nhiễm hoặc bệnh Da sần, là bệnh truyền nhiễm do một loại vi rút thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò. Bệnh gây thiệt hại về kinh tế; do sản lượng sữa giảm mạnh, giảm khả năng sinh sản, sảy thai, tổn thương da, giảm tăng trọng và có thể chết, gây tổn thất về kinh tế do hạn chế vận chuyển và thương mại.
Cách chẩn đoán bệnh viêm da nổi cục
Chẩn đoán sơ bộ tại thực địa dựa trên những biểu hiện như; sốt và các nốt sần đặc trưng trên da trâu, bò mắc bệnh. Chẩn đoán tại thực địa cần được xác nhận bằng xét nghiệm trong phòng thí nghiệm các mẫu da tổn thương, vảy, máu được chống đông bằng EDTA hoặc gạc nước bọt. Vảy và da dễ thu mẫu và có thể được gửi đi; mà không cần bảo quản trong môi trường vận chuyển; mà có thể để trong ống lấy mẫu sạch hoặc các loại dụng cụ khác.
Cách phòng, chống bệnh
Kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh tại các nước Châu Âu và Tây Á cho thấy các biện pháp phòng, chống bệnh chính bao gồm: Phát hiện sớm các trường hợp trâu, bò mắc bệnh; tiêu hủy trâu, bò mắc bệnh; tiêm phòng vắc xin viêm da nổi cục cho trâu, bò.
Đối với những nước không có dịch bệnh, cần hạn chế nhập khẩu trâu, bò và một số sản phẩm trâu, bò; áp dụng biện pháp giám sát phát hiện bệnh trong phạm vi tối thiều là 20km từ quốc gia hoặc vùng có dịch.
Đối với những nước có dịch bệnh, hạn chế vận chuyển trâu, bò trong khu vực có dịch; tiêu hủy trâu bò biểu hiện triệu chứng lâm sàng và tiêm phòng.
Nguồn: nongnghiep.vn