Lươn là một loại động vật thủy sản khá quen thuộc với những người dân của vùng sông nước miền Tây. Chúng không những là một nguồn thực phẩm dinh dưỡng mà còn mang đến giá trị về sức khỏe, điều trị bệnh,.. Đặc biệt là tác động tốt đến kinh tế so với những loại thủy sản nước ngọt khác. Bởi vậy người dân nơi đây áp dụng chăn nuôi lươn để vươn lên làm giàu khá nhiều. Tuy nhiên với mô hình truyền thống mà người nông dân vẫn thường áp dụng thì vẫn có rất nhiều hạn chế. Từ cách quản lý số lượng, tính toán lượng thức ăn cho lươn, đến cả các vấn đề về dịch bệnh cũng khó kiểm soát hơn,..
Chính vì thế mà phương pháp chăn nuôi lươn theo mô hình mới đã được ra đời. Nhằm giúp giải quyết được các hạn chế, khó khăn kể trên.
Thông tin về lợi ích của loài lươn
Lươn đồng là một loài thủy sản rất quen thuộc với người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng. Giá trị của lươn không chỉ là một nguồn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng. Lượng đạm: 18,6% và chất béo: 9,1%. Chúng còn là đối tượng có giá trị kinh tế cao trên thị trường so với một số giống loài thủy sản nước ngọt khác.
Lươn sinh sản vào tháng 4 – 5 âm lịch nên có thể bắt giống thả nuôi lươn thịt từ giữa tháng 6 âm lịch. Nuôi 5 -6 tháng thì thu hoạch.
Cần xây bể nuôi lươn như thế nào?
Bể xi măng mặt trong ốp gạch men/gạch tàu hoặc lót bạt (để tránh cho lươn bị trầy xướt). Hay đơn giản hơn là dùng tre đóng thành khung nổi trên mặt đất và lót bạt. Bể nuôi nên thiết kế hình chữ nhật, diện tích dao động từ 6 – 20 m2, chiều cao khoảng 0,7 – 1m. Trên thành bể viền các gờ bằng gạch tàu để đề phòng lươn thoát ra ngoài.
Bên trong bể, đặc biệt là phần đáy bể cần được đổ xi măng hoặc ốp gạch men láng bóng. Điều đó sẽ giúp lươn không bị tổn thương, trầy xước. Phần miệng cống phải dùng lưới bịt kín sao cho lươn không chui ra ngoài qua miệng cống được.
Các thiết kế trong bể nuôi lươn không bùn
Đáy bể phải được làm dốc về phía cống thoát để có thể dễ dàng đưa thức ăn thừa, chất bài tiết của lươn khi tháo cạn thay nước. Cống thoát nên được thiết kế bằng ống nhựa PVC được khoan lỗ nhỏ hơn kích cỡ lươn. Hoặc có thể bọc lưới để tránh lươn bị hút ra ngoài khi thay nước. Hệ thống cấp nước nên đặt sát đáy bể và đối diện cống thoát để có thể tận dụng sức nước tống cặn bã về phía cống thoát.
Bể chăn nuôi lươn nếu xây mới thì giá thể phải được ngâm ít nhất 1 tuần (thay nước hàng ngày).
Giá thể cho lươn trú ẩn (đồng thời là “sàn ăn”) gồm 3 khung tre/gỗ đặt chồng lên nhau. Chiếm khoảng 1/3 diện tích bể. Mỗi khung bao gồm các thanh tre/gỗ được đóng song song cách nhau 10 cm. Khung trên cùng được đan thêm các dây nylon để có thể giữ được thức ăn khi cho lươn ăn
Những lưu ý cần quan tâm trong mô hình chăn nuôi lươn kiểu mới
Hạn chế ánh sáng chiếu trực tiếp vào bể làm tăng nhiệt độ nước. Toàn bộ bể nuôi nên được che mát bằng lưới cách nhiệt (lưới lan) loại dày.
Vị trí yên tĩnh, có bóng mát, dễ lấy nước và thoát nước. Nên làm mái che bán mái hoặc làm giàn trồng cây leo che nắng, gió.
Thay nước bể nuôi lươn: Do nuôi với hình thức thâm canh và lươn là loài thủy sản da trơn nên rất mẫn cảm với môi trường sống. Vì thế phải thay nước bể nuôi lươn mỗi ngày (100%) lượng nước trong bể. Duy trì mực nước vừa ngập các giá thể (khoảng từ 30 – 40 cm).
Ngoài ra, mô hình nuôi lươn không bùn trong bể lót bạt không gây ô nhiễm. Góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và chung tay xây dựng nông thôn mới. Có thể nói mô hình nuôi lươn không bùn là một hướng đi mới vừa mang hiệu quả kinh tế cao. Vừa giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động nhàn rỗi ở địa phương. Đây là mô hình độc đáo cần được nhân rộng để giúp người dân nhanh chóng thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.
Nguồn: kythuatnuoitrong.edu.vn