Cua biển là loài vật sống được trong các khu vực nước mặn, nước lợ và cả những vùng có độ mặn thấp như các vùng sản xuất lúa ở nước ta. Chúng mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng, làm cho nhu cầu về loài thủy sản này ngày càng lớn. Mặc khác để đưa cua biển vào chăn nuôi cũng không quá khó khăn. Nguồn thu lợi nhuận đến từ cua biển cũng tốt và bền vững hơn nhiều so với chăn nuôi tôm. Cũng có không ít các mô hình nuôi cua biển được đưa vào thực hiện và thành công. Mang đến đời sống ổn định sung túc cho người nông dân.
Thu lợi nhuận tốt với việc chăn nuôi cua biển
Ông Nguyễn Văn Huệ, ở ấp Rạch Gốc, xã Long Hòa, huyện Châu Thành (Trà Vinh) cho biết, cua biển dễ nuôi, nhất là không gặp rủi ro về môi trường nước, dịch bệnh, chi phí xây dựng ao nuôi, thức ăn thấp hơn gấp từ ba đến bốn lần so với nuôi tôm sú. Thời gian nuôi cua vỗ gạch chỉ mất từ 15 đến 20 ngày cho thu hoạch. Cua thịt nuôi từ 5 đến 6 tháng đạt trọng lượng ba đến bốn con/kg.
Giá cả và thị trường tiêu thụ cua thương phẩm khá ổn định. Năm 2019, hầu hết người nuôi cua biển đều thu được lợi nhuận cao do giá cua biển thương phẩm ổn định. Cụ thể, giá cua bán xô từ 150 đến 160 nghìn đồng/kg, cua thịt loại I (ba con/kg) từ 270 đến 280 nghìn đồng/kg, cua gạch từ 300 đến 320 nghìn đồng/kg. Nuôi cua biển chỉ mất khoảng bốn tháng từ khi thả giống đến thu hoạch, cho nên có thể nuôi ba vụ trong năm. Với giá cua biển ổn định như hiện nay thì nghề nuôi cua cho thu nhập bền vững hơn so nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng bán thâm canh.
Chuyển dịch nuôi tôm sang mô hình nuôi cua biển
Theo UBND xã Long Hòa, thời gian gần đây, nông dân địa phương đã chuyển đổi nghề nuôi tôm thẻ chân trắng ba vụ trong năm sang chuyên nuôi từ hai đến ba vụ cua biển hoặc một vụ tôm thẻ chân trắng cùng hai vụ cua biển. Mô hình này giúp nông dân thu nhập bền vững hơn. Qua 5 năm chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy sản, nhiều người nuôi đã tính toán được thời gian thu hoạch vào các dịp lễ, Tết, cho nên bán được giá.
Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích nông dân vùng ven biển phát triển nghề nuôi cua, nhất là nuôi cua biển trong ao nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng để thay thế cho một vụ nuôi tôm nhằm hạn chế rủi ro khi nuôi tôm ba vụ trong năm. Hiện nay, bình quân mỗi năm nông dân Trà Vinh thả nuôi cua biển trên diện tích khoảng 13.000 ha. Trong đó, có khoảng 35% diện tích nuôi thâm canh, năng suất đạt từ 0,8 đến 1,2 tấn/ha. Tổng sản lượng cua biển thương phẩm thu hoạch của tỉnh đạt hơn 1.400 tấn/năm.
Mô hình chăn nuôi cua biển trong bể xi măng
Hiện nay, cũng có nhiều gia đình đang áp dụng cách nuôi cua biển trong bể xi măng nhằm tăng thêm nguồn thu nhập. Tuy nhiên không phải ai cũng thực hiện hiệu quả mô hình này.
Lưu ý gì khi chuẩn bị bể xi măng thả cua giống
Bê xi măng cần được xây dựng với kích thước từ 4 – 30m2, chiều cao 1.3m. Bể thiết kế dạng hình vuông, hình tròn, chữ nhật, có mái che một phần hoặc toàn bộ. Phần đáy bể rải một lớp cát 3 – 5cm, xếp thêm gạch làm chỗ ẩn cho cua, ở dái có van xả giúp thuận tiện cho việc thay nước. Mực nước trong bể đảm bảo mức 0.7 – 1m, có hệ thống sục khí. Bạn có thể nuôi chung hoặc chia ô nuôi riêng từng con.
Những điều kiện nước và nhiệt độ nuôi cua
Thông thường, cua biển thích hợp nuôi trong môi trường nước biển có độ mặn từ 25 đến 32‰, độ pH từ 7.5 – 8.5, hàm lượng oxy hòa tan không vượt quá 5mg/l. Nhiệt độ nước từ 27 độ C – 30 độ C, nước không nhiễm bẩn hữu cơ hoặc vô cơ. Mỗi ngày, phải thay 20 – 30% nước trong bể xi măng. Sau đó khoảng 1 tuần hãy vệ sinh toàn bộ bể, phần đáy. Chú ý luôn phải sục khí nhẹ cho cua.
Vệ sinh bể nuôi cua biển
Người nuôi phải thường xuyên vệ sinh bể xi măng bằng cách xả hết nước cũ, thay nước mới. Không để cua ăn phải thức ăn đã ôi thiu. Trong tháng đầu khi cua còn bé, 5 ngày thay nước 1 lần. Các tháng tiếp theo thực hiện theo chu kỳ 2 ngày/lần.
Như vậy cua sẽ có điều kiện thuận lợi để nhanh chóng lột vỏ và phòng trừ một số bệnh ký sinh trùng trong cơ thể. Bạn nên thay nước vào buổi trưa, khi cua đang còn nghỉ ngơi trong hang. Nếu thấy con nào chết hãy nhặt ngay ra khỏi bể. Đồng thời trong lúc vệ sinh thay nước cần dùng lưới bịt chặt miệng cống tránh tình trạng cua biển thoát ra ngoài gây thất thoát.
Nguồn: nhandan.vn